Sự tích Bát Nàn

Theo thần phả, Vũ Thị Thục sinh giờ Dần, ngày Rằm tháng 8 năm Đinh Sửu (17). Bà xuất thân trong một gia đình nhà Nho, cha là Vũ Công Chất làm nghề thầy thuốc, thầy giáo, mẹ là Hoàng Thị Mầu.[1]

Tương truyền, hai ông bà luôn sống thiện lương, hiền đức. Ông Vũ Công Chất thường rời nhà đi hái thuốc về chữa bệnh cho người dân. Sau một lần ông góp công tu sửa miếu thờ Sơn Tinh Công chúa thì được ngài cử người đem bè gỗ quý đến tạ ơn. Cùng lúc đó, một cô gái mặc áo cánh sen vô cùng xinh đẹp cũng đến nhà ông bà. Cô gái gọi mẹ và chợt nhào vào lòng bà Mầu rồi biến mất. Sau 9 tháng 10 ngày, giờ Dần, ngày Rằm tháng 8 năm Đinh Sửu (17), bà sinh được một đứa con gái, đặt tên là Thục.

Sinh thời, Vũ Thị Thục là người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, đẹp người, đẹp nết, giàu lòng nhân ái, yêu nước, thương dân. Năm 18 tuổi, bà đính hôn với Phạm Danh Hương, quận trưởng Nam Châu.[1] Thái thú Tô Ðịnh háo sắc, bạo tàn đã ép bà làm vợ, bị bà từ chối. Tô Định bèn trả thù bằng cách giết cha và chồng chưa cưới của bà và cho quân lùng bắt bà. Không để rơi vào tay Tô Ðịnh, bà đã phá vòng vây, vượt sông Hồng về Tiên La nương thân. Ở đây, bà vừa tụng kinh cầu nguyện cho người thân đã khuất, vừa học cách thiền định. Bà chấp nhận nén chặt đau thương lại và vị tha, học cách buông bỏ hết mọi thứ. Nhưng bằng sự trách nhiệm, tình yêu thương con người và đất nước, Bát Nàn đã lựa chọn con đường đứng lên dấy binh trước ách thống trị tàn bạo của Tô Định. Về sau, bà dựng cờ khởi nghĩa mang 4 chữ vàng "Bát Nạn tướng quân" (Tướng quân phá nạn).[1][2]

Mùa xuân năm Canh Tý (40), Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa. Vì đã đã nghe uy danh của Bát Nàn nên lúc Hai Bà Trưng phát động cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước thì ngay lập tức Hai Bà Trưng cho sứ giả sang mời Bát Nàn hội quân cùng đánh Tô Định. Bát Nàn cùng đội binh sĩ hưởng ứng, cùng các nữ tướng của Hai Bà Trưng đánh bại quan quân Đông Hán. Tô Định chạy trốn về Nam Hải (Quảng Đông, Trung Quốc).[1][2]

Sau khi đánh đuổi được quân đô hộ, Trưng Trắc được suy tôn làm vua (Trưng Vương). Bà được Trưng Vương phong làm Bát Nàn tướng quân, Trinh Thục Công chúa. Về sau, bà tham gia chống quân xâm lược nhà Hán của Mã Viện.

Ngày 6 tháng 2 năm Quý Mão (43), Hai Bà Trưng nhảy xuống sông Hát tự vẫn để bảo toàn khí tiết. Sau khi Hai Bà Trưng hi sinh, bà lui về hương Đa Cương tiếp tục chống giặc. Quân Hán đã tập trung toàn bộ lực lượng để đàn áp. Sau 39 ngày đêm giao tranh ác liệt, bà cho mở đường máu chạy về gò Kim Quy (thôn Tiên La, xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình ngày nay). Không chịu sa vào tay giặc, cuối cùng bà đã rút gươm tuẫn tiết. Hôm ấy là ngày 18 tháng 3 năm Quý Mão (năm 43).